Đoàn công tác của huyện Lục Ngạn đến thăm mô hình rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa tại tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 3, đoàn công tác của huyện Lục Ngạn do đồng chí Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trường đoàn đã đến thăm, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế tại tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Tham gia đoàn công tác, có đại biểu các đơn vị: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm, Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn.

Đoàn công tác của huyện Lục Ngạn đến thăm mô hình trồng Gù hương, Giổi tại tỉnh Hòa Bình

Đoàn đã tới thăm và làm việc tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình; trực tiếp đến thăm, học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng một số loài cây bản địa có giá trị cao như cây Trầm Hương, Gù Hương, cây Giổi tại hộ gia đình ông Cương và ông Bẩy thuộc tỉnh Hòa Bình; thăm mô hình cây lâm nghiệp và vườn nuôi cấy mô, vườn ươm tại Công ty lâm nghiệp Hòa Bình (Một số loài cây tiêu biểu như dòng Bạch đàn mô PN108, UG24, UG54, Keo lá tràm Clt7, Clt18, Clt26, Keo lai mô BV10, Bv16, BV32, BV33); thăm mô hình cây lâm nghiệp, cây bản địa và vườn ươm tại Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, tỉnh Phú Thọ (địa chỉ: xã Chân Mộc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú thọ); mô hình trồng cây tre ngọt, tre Bát Độ, ... tại trang trại gia đình ông Tiến thuộc tỉnh Phú Thọ.

Đoàn đến thăm mô hình trồng cây bản địa Giẻ, Re, Sồi, … tại Phú Thọ
Đoàn công tác của huyện Lục Ngạn Thăm mô hình trồng tre ngọt tại tỉnh Phú Thọ

Tại những nơi đến thăm, đoàn công tác của huyện Lục Ngạn đã được cán bộ Công ty lâm nghiệp cùng các hộ dân nhiệt tình tiếp đón, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng phát triển kinh tế từ cây gỗ lớn, cây bản địa. Qua đó, các thành viên trong đoàn đã tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu để từng bước áp dụng vào địa phương, đơn vị.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình

Đồng chí Bùi Văn Huân, Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn cho biết thêm: Từ chuyến thăm quan các mô hình tiêu biểu về trồng cây lâm nghiệp, cây bản địa có giá trị cao tại Hòa Bình, Phú Thọ có thể thấy được việc trồng cây bản địa đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, cảnh quan và môi trường, có tiềm năng thay thế được những loài cây lâm nghiệp truyền thống như Keo, Bạch đàn. Từ đây có thể triển khai mô hình và nhân ra diện rộng tại địa phương.

 

Đức Thọ

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.