Ông Chu Văn Lanh làm giầu từ nuôi ngựa bạch và trồng vải thiều

Ông Chu Văn Lanh (SN 1976) dân tộc Nùng, thôn Khuôn Phải, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) từ phát triển chăn nuôi ngựa bạch và trồng vải thiều đã có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Mô hình này đã và đang được nhiều hộ dân trong xã làm theo để nâng cao thu nhập.

Khai thác lợi thế của địa phương như: Bãi chăn thả rộng, có nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, năm 2011, với số vốn tích cóp được và anh em hỗ trợ, ông Lanh đã đầu tư mua 2 con ngựa bạch nái trị giá hơn 100 triệu đồng về nuôi theo hình thức bán chăn thả. Hằng ngày, ông Lanh cho đàn gia súc lên các sườn đồi ăn cỏ tự nhiên, chiều lùa về chuồng cho ăn thêm một số thức ăn khô như rơm rạ, vỏ ngô…

Ông Chu Văn Lanh, thôn Khuôn Phải, xã Tân Sơn.

Sau gần 3 năm kiên trì chăm sóc, những con ngựa nái đã sinh sản lứa đầu. Cứ như vậy, đến nay ông Lanh đã có đàn ngựa bạch lên tới 10 con. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, để giữ được nguồn gen và bảo đảm tính thuần chủng của đàn ngựa, ông Lanh còn đầu tư mua thêm 1 con ngựa đực để nhân giống và mở rộng đàn. Theo ông Lanh, ngựa bạch con sau khi sinh sẽ theo mẹ khoảng 4 tháng thì có thể tách và bán được. Do đó với cơ cấu đàn như hiện nay, mỗi năm ông Lanh xuất bán 5 ngựa bạch con, giá trung bình từ 40 đến 50 triệu đồng/1con, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Cùng đó ông còn trồng thêm gần 1 ha cỏ voi để tăng lượng thức ăn cho đàn gia súc.

Ông Lanh cho biết: “So với các loài vật nuôi truyền thống khác của người dân thì việc nuôi ngựa bạch không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”. 

Cùng với nuôi ngựa bạch, gia đình ông Chu Văn Lanh còn chăm sóc hơn 500 cây vải thiều hơn 10 năm tuổi. Từ chăn nuôi, ông đã có nguồn phân chuồng bón cho cây nên vải thiều năm nào cũng được mùa, bán giá cao. Năm 2020, với sản lượng gần 10 tấn quả, ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ chăn nuôi ngựa bạch, trồng vải thiều, ông Lanh còn ương khoảng 1 nghìn cây đào làm cảnh để bán dịp tết cho người dân; mua 2 máy xúc loại nhỏ phục vụ gia đình làm vườn và làm thuê cho người có nhu cầu. Từ trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm gia đình ông Lanh có thu nhập ổn định từ 400 đến 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng cây ăn quả, ông Lanh cho biết, có điều kiện về đất đai chưa đủ, muốn thành công cần có sự đam mê, chịu khó nghiên cứu, học tập ở những nơi thành công. Ông Lanh cũng thông tin, tới đây sẽ mở mang chuồng trại để phát triển thêm từ 5 đến 10 ngựa nái sinh sản.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Chu Văn Lanh còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt giúp bà con trong thôn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời trở thành tấm gương tiêu biểu, khích lệ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Theo ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, trong những năm qua, tận dụng lợi thế, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Nhờ vậy đến nay đàn trâu, bò toàn xã có khoảng 450 con; đàn dê hơn 1,6 nghìn con, đàn lợn hơn 200 con. Đàn ngựa có hơn 600 con, riêng ngựa bạch khoảng 400 con./.

 

Quang Huấn

 

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.